Khám phá làng Sình - nơi có dòng tranh dân gian nức tiếng ở xứ Huế
Huế từ lâu luôn nổi danh với nhiều làng nghề lưu giữ những nét đẹp độc đáo của thế hệ cha ông. Trong một chuyến thăm xứ Huế mộng mơ chúng mình đã có dịp xuôi theo dòng sông Hương trở về làng Sình - nơi có dòng tranh dân gian nức tiếng. Tại đây không chỉ được tận mắt tìm hiểu các bước để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh, chúng mình còn có cơ hội hiểu thêm về bức tranh làng nghề Việt với những người nghệ nhân yêu nghề sống mãi cùng thời gian.
Cổng vào nhà nghệ nhân Kỳ Hữu Phước
Qua tìm hiểu chúng mình được biết làng Sình hay còn có tên chữ là Lại Ân thuộc xã Phú Mậu huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế. Nằm ngay bên dòng sông Hương thơ mộng, làng Sình là một trong số ít nơi còn lưu giữ được nghề làm tranh truyền thống. Trước đây, làng Sình từng là trung tâm văn hóa của cố đô và đã nhiều lần được nhắc đến trong Ô Châu Cận Lục như một điểm giao thương sầm uất. Nếu là một người tìm hiểu nhiều về văn học hẳn bạn sẽ nhớ đến câu “Cầu Bao Vinh ngựa xe tấp nập, làng Lại Ân tiếng gà gáy sáng giục khách thương tài lợi cạnh tranh…”.
Có rất nhiều cách lý giải khác nhau về chữ “Sình” trong tên gọi ngày nay của làng. Có người cho rằng đó là dấu ấn Chăm còn sót lại. Cũng có người giải thích theo lịch sử, Sình là biến âm của Hình - một thế võ của làng. Hoặc Sình còn là tên của một ngôi chợ rất nổi tiếng trong làng.
Hình ảnh nghệ nhân Kỳ Hữu Phước
Khi đến làng Sình, thông qua một số quán nước ngồi nghỉ để hỏi đường chúng mình được các cụ trong làng kể rằng ngày xưa thời Trịnh - Nguyễn trong đoàn người đến đây định cư có ông Kỳ Hữu Hòa mang theo nghề làm tranh giấy mộc của làng quê để mưu sinh, tranh làng Sình cũng từ đó mà ra đời. Hiện nay tại làng không còn nhiều nhà làm tranh nghệ thuật, chủ yếu mọi người làm tranh để thờ cúng, loại tranh này sau khi hết khóa lễ sẽ được đốt đi. Riêng chỉ có nhà ông Kỳ Hữu Phước - hậu duệ nhiều đời của ông Kỳ Hữu Hòa là vẫn gìn giữ được nét đẹp dân gian trong nghề làm tranh cảnh này.
Để di chuyển đến đây bạn có thể đi theo 2 cách
Cách thứ nhất là chèo thuyền xuôi theo dòng sông Hương khoảng 9km, làng nằm trầm mặc hướng Tây Nam, quay mặt thẳng ra sông Hương thơ mộng. Di chuyển theo cách này chủ yếu là du khách nước ngoài hoặc khách thập phương đi theo tour.
Cách thứ 2 và cũng là cách di chuyển chúng mình lựa chọn là đi xe máy theo đường bộ. Từ trung tâm thành phố Huế, không quá khó để tìm đến đây, bạn chỉ cần theo chỉ dẫn của google map dọc theo đường Nguyễn Sinh Cung, qua cầu đến chợ Nọ rẽ trái vào đường 2. Đến địa phận làng Sình, bạn hỏi nhà nghệ nhân Kỳ Hữu Phước thì hầu hết mọi người đều biết.
“Bảng tôn vinh nhân tài đất Việt”
Chúng mình đến nơi cũng vừa tầm xế chiều, ấn tượng đầu tiên là một ngôi nhà 3 gian với “lỉnh kỉnh” những đồ nghề được sắp xếp ngăn nắp trong một khoảng sân nhỏ. Đón tiếp chúng mình là một người phụ nữ tầm trung tuổi, bác có gương mặt phúc hậu rất thân thiện. Sau khi được biết tụi mình đến tìm hiểu về nghề làm tranh truyền thống, bác rất vui vẻ dẫn mấy đứa đi thăm quan và giới thiệu rất nhiều về quy trình cũng như công đoạn làm tranh. Mãi sau khi cuộc trò chuyện trở nên thân mật hơn chúng mình mới biết bác là vợ nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Hiện tại trong ngôi nhà nhỏ này chỉ có 2 bác sinh sống, bác có mấy người con nhưng đều đã đi làm xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà.
Vợ bác Phước
Qua lời giới thiệu của bác, chúng mình được biết nghề làm tranh này hiện ở làng đã bị mai một nhiều. Một phần do những người trẻ trong làng chủ yếu đi làm ăn xa, một phần do xã hội thay đổi, những khách hàng am hiểu và ưa chuộng loại tranh truyền thống này cũng không còn nhiều. Trong làng chủ yếu những người già vẫn ở lại làm tranh, loại tranh mọi người làm đa số là tranh thờ cúng. Chỉ có nhà bác Phước là vẫn làm tranh dân gian phục vụ cho nghệ thuật và du lịch.
Bộ “Bát âm”
Quy trình tạo tác kỳ công tranh Sình
Ấn tượng nhất đối với chúng mình trong cuộc trò chuyện có lẽ là công đoạn kỳ công để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh. Hầu hết các bước từ tạo khuôn, in ấn, tô điểm đều được làm bằng tay. Đặc biệt là phần dụng cụ và màu vẽ do 2 bác tự tay chế tác từ những nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Có 7 bước để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh là xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu và bước cuối cùng là điểm nhãn.
7 bước trong quy trình chế tác
Bước 1: Xén giấy
Giấy khi được mua về là loại giấy dó có bản to giống loại giấy in báo, tại đây những nghệ nhân sẽ dùng loại dao chuyên dụng để cắt giấy thành nhiều khổ khác nhau tùy vào mục đích và loại tranh muốn thực hiện.
Xén giấy
Bước 2: Quét điệp
Quét điệp là bước rất quan trọng để tạo nên sự đặc biệt của bức tranh. Người dân làng Sình thường phải đi thuyền dọc phá Tam Giang qua vùng cầu Hai - Lăng để cào điệp - đây là loại vỏ sò mỏng có nhiều màu sắc óng ánh. Điệp sau khi cào sẽ được rã thành bột rồi trộn với hồ. Sau đó hỗn hợp này được phết 2 lần lên giấy dó. Bởi vậy khi nhìn vào những bức tranh bạn sẽ thấy một lớp mỏng màu ánh ngọc trai của vỏ sò, khi sờ vào sẽ thấy hơi sần sùi thô ráp. Nhìn tổng thể màu ánh lên vô cùng đẹp, đây cũng là sự đặc biệt tạo nên nét đẹp riêng tại làng nghề lâu đời này.
Quét điệp là bước rất quan trọng để tạo nên sự đặc biệt của bức tranh
Bước 3: In tranh trên mộc bản
Sau khi để lớp điệp thật khô, nghệ nhân sẽ tiến hành in tranh trên mộc bản. Mộc bản là những khuôn tranh được khắc từ trước với nhiều hình thù và kích thước khác nhau. Tại đây có khoảng từ 40 -50 mộc bản đang được bác Phước sử dụng và trưng bày. Nếu muốn đặt tranh theo yêu cầu bạn có thể chọn mộc bản mình mong muốn. Hoặc cầu kỳ hơn thì bác sẽ khắc mộc bản mới, việc khắc mộc bản là công đoạn công phu cần sự khéo léo và tốn rất nhiều thời gian của người nghệ nhân. Nên nếu muốn đặt bức tranh độc đáo như vậy chắc chắn bạn phải đặt từ rất sớm.
Loại mực in những mộc bản này cũng vô cùng đặc biệt. Rơm sau khi đốt thành tro sẽ được hòa vào nước, lọc lấy phần sạch và cô lại thành hỗn hợp mực đặc sệt. Nếu để ý kỹ hoặc lấy tay sờ vào màu đen trên mộc bản bạn cũng sẽ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt so với mực hóa học thông thường. Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu (mộc bản, mực đen): nghệ nhân đặt tấm ván in xuống mặt đất, dùng cái phết (làm bằng xác dừa) phết hồ đen lên ván in nét khắc, tiếp đó lấy giấy đã quét hồ điệp úp chồng lên, dùng chổi làm bằng xơ mướp xoa đều lên giấy trước khi bóc ra.
Mực in được làm từ tro rơm độc đáo
Nghệ nhân sẽ tiến hành in tranh trên mộc bản
Những miếng mộc bản đều được làm hoàn toàn thủ công
Mộc bản theo hình con giáp
Những miếng mộc bản được bác Phước treo lên trên tường
Bước 4: Phơi tranh
Công đoạn thứ 4
Ngày nay phơi tranh là bước khá đơn giản trong tất cả công đoạn làm tranh bởi hiện tại hai bác làm với số lượng ít hơn nên việc phơi nhanh chóng và có thể phơi ngay tại chỗ. Trước đây khi số lượng đặt tranh nhiều, cần phơi số lượng lớn, những ngày trời giông bão hay mưa gió sẽ khá vất vả.
Bước 5, 6: Pha màu, tô màu
Tô màu tưởng chừng đơn giản nhưng lại là công đoạn cần sự khéo léo và năng khiếu mỹ thuật của người nghệ nhân. Để làm công đoạn này trước tiên cần phải pha màu. Đây là điều mình cảm thấy thích thú nhất tại đây bởi những màu này được làm hoàn toàn thủ công bằng những nguyên liệu gần gũi ngay cạnh chúng ta. Bác có giới thiệu cho chúng mình biết về một số màu như màu tím sẽ được làm từ quả mồng tơi chín giã lấy nước rồi nấu cô lại. Màu vàng được lấy từ lá cây đung và hoa hòe. Màu lục pha chế từ cây mối và cây bông ngọt. Còn màu cam lại được làm từ bột mục của những viên gạch cũ được lấy từ đình chùa hay những ngôi nhà cổ. Còn rất nhiều màu khác nữa đều được pha chế bằng cách tương tự mà chúng mình không thể nhớ hết. Ngay cả cây bút quét màu cũng rất đặc biệt khi làm từ rễ cây mọc bên đường, rễ to sẽ tạo những cây bút với đầu tô to, bút nhỏ thì được tạo để làm những cây bút nhỏ. Khi đã có đủ màu sắc nghệ nhân sẽ tô màu theo chủ đề từng bức tranh. Nét màu hiện lên rất tươi thật khác với những loại màu thông thường. Một điểm đặc biệt mà chắc hẳn chúng ta chưa thấy ở bất kỳ loại tranh nào trước đây.
Màu vàng được lấy từ lá cây đung và hoa hòe
Bút quét màu được làm từ rễ cây mọc bên đường
Đây là công đoạn cần sự khéo léo
Bước 7: Điểm nhãn
Điểm nhãn là bước cuối cùng để có một bức tranh hoàn chỉnh, nhưng qua giới thiệu của bác Phước chỉ một số chủ đề tranh đã đăng ký trước với cục văn hóa nghệ thuật mới được điểm nhãn còn những chủ đề chưa đăng ký thì sau khi tô màu là bức tranh đã hoàn chỉnh rồi. Mấy bức tranh bọn mình mua kỉ niệm có chủ để là tranh dân gian - đây là dòng tranh được điểm nhãn nên bác Phước đã tận tay điểm cho chúng mình để làm kỉ niệm.
Điểm nhãn là bước cuối cùng để có một bức tranh hoàn chỉnh
Dòng tranh được điểm nhãn
Các chủ đề trong tranh Sình
Chủ đề tranh cũng là vấn đề chúng mình được nghe bác gái nhắc đến rất nhiều. Mỗi bức tranh tại đây đều có chủ đề riêng và được chia thành 3 nhóm chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật với nhiều đầu tranh như đi cấy, phụ nữ, 12 con giáp, côn trùng, đấu vật ..... Các chủ đề tranh đa số lấy từ nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt, lễ hội, lao động của người dân trong làng.
Mỗi bức tranh tại đây đều có chủ đề riêng
Tờ lịch 2020
Một góc trong nhà nghệ nhân Phước
Ý nghĩa của tranh Sình
Tranh làng Sình có rất nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và lưu giữ những làng nghề dân gian nổi tiếng. Đối với người dân làng Sình đây như một nét đẹp của cha ông để lại với nhiều ý nghĩa linh thiêng. Đối với du khách những bức tranh không chỉ là món quà ý nghĩa mà còn là nét đẹp văn hóa đặc biệt.
Ống đựng tranh để mua về làm quà
Cách cuộn tranh
Sau khi rời nhà 2 bác nghệ nhân chúng mình di chuyển đến dòng sông Hương ngay cạnh đó, đây cũng là bến thuyền đưa khách du lịch đến thăm làng bằng đường thủy. Trời lúc này cũng đã xế muộn, một khung cảnh bình yên hiện lên mà trước giờ có lẽ mình chỉ bắt gặp trong những bộ phim ngày xưa. Dòng sông nằm trầm mặc hiền hòa, thi thoảng có một bóng thuyền đánh cá lướt qua gợi lên những vệt sóng lăn tăn báo thức chúng mình ra khỏi luồng thời gian như ngừng trôi tại làng quê yên bình này. Dù thế giới ngoài kia có thay đổi thật nhiều, dù thời gian có trôi từ thế hệ này qua thế hệ khác nhưng mình tin rằng bức tranh làng nghề Việt Nam tại làng Sình chắc chắn sẽ luôn tồn tại để mãi tỏa hương trong dòng chảy thời gian mang tên văn hóa Việt.
Cảnh câu cá
Dòng sông hiền hòa
Lục bình trong sắc tím mộng mơ
Khung cảnh nông thôn bình yên
Bộ bàn ghế cổ kính
Bát trà xanh - gừng đượm ân tình
Một góc nhà bác Phước
Làng hoa giấy Thanh Tiên
Trước khi ra về chúng mình có được bác gái nhắc về làng làm hoa giấy Thanh Tiên ngay cạnh làng Sình. Mặc dù trời cũng đã muộn nhưng chúng mình đã không bỏ qua cơ hội để đến đây và chiêm ngưỡng thêm một làng nghề độc đáo nữa. Từ làng Sình đi ngược lại khoảng gần 2km sẽ đến làng hoa giấy Thanh Tiên.
Qua sự chỉ dẫn của một số người dân trong làng chúng mình đến được nhà của một hộ dân - là một trong số rất ít gia đình trong làng còn giữ được nghề truyền thống này. Khác với làng Sình đa số mọi người trong làng vẫn làm tranh thờ cúng. Làng hoa giấy thanh Tiên hiện giờ chỉ còn 2-3 nhà vẫn giữ nghề, phần vì những người trẻ tuổi khi lớn lên đã ít mặn mà với nghề hơn, phần vì làm hoa chủ yếu thủ công 100% nhưng giá bán thường không cao nên thu nhập khó lòng nuôi sống con cái trong thời buổi hiện đại này.
Giấy làm hoa sen
Bông hoa đã hoàn thiện
Khi chúng mình đến đây, các nghệ nhân đang làm bước nhuộm màu cánh sen. Do yếu tố kỹ thuật nên khi làm hoa người nghệ nhân không làm các bước liên tục cho đến khi thành phẩm mà sẽ làm từng bước một. Sau khi nhuộm màu một loạt mới đến tạo khuôn cánh rồi lắp nụ ….
Vì không được tận mắt chứng kiến nên chúng mình chỉ nghe anh chủ nhà giới thiệu sơ qua về các bước làm hoa và được tận mắt nhìn thành phẩm là một bông sen xinh đẹp. Được làm từ giấy qua bàn tay khéo léo của người nghệ nhân những bông sen hiện lên sinh động vô cùng, chúng mình tự đùa nhau chắc sen này chỉ khác sen ngoài đời là không có mùi hương còn về vẻ đẹp chắc chẳng thua kém chút nào. Chỉ tìm hiểu qua một chút thì trời cũng chập tối, chúng mình chia tay làng Thanh Tiên với thật nhiều nuối tiếc vì chưa được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm hoa và cũng chưa kịp tìm hiểu kĩ hơn về làng. Nhưng mình tin chắc chắn rằng dịp ghé thăm Huế tiếp theo sẽ còn quay lại đây để nghe thật nhiều câu chuyện về ngôi làng làm hoa đã có lịch sử hơn 300 năm này.
Những bông sen hiện lên sinh động vô cùng
Cành hoa
Dụng cụ làm hoa giấy
Một làng làm tranh yên bình với thật nhiều điều thú vị trong các công đoạn thực hiện, một làng hoa giấy không tỏa hương nhưng cũng đủ thơm ngát với những bông hoa rực rỡ là những gì còn lưu luyến mãi trong tâm trí mình khi trở về thành phố. Ở đâu đó trên đất nước Việt Nam vẫn còn thật nhiều nét đẹp dân gian đặc sắc và mình tin rằng những vẻ đẹp đó chắc chắn sẽ trường tồn mãi mãi dù thế giới có thay đổi ra sao.
Tác giả: Nguyễn Thị Trang
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét